CUỘC ĐỜI MỚI CỦA BÃ CÀ PHÊ SAU KHI BỊ VỨT BỎ

Uống cà phê mỗi ngày như vậy, bạn có bao giờ tự hỏi người ta sẽ làm gì với… bã cà phê không?

Còn làm gì nữa, vứt đi thôi!

Đó sẽ là câu trả lời của đại số chúng ta, những chủ quán cà phê, những người uống cà phê tự pha mỗi ngày nhưng không quan tâm đến giá trị của việc tái chế, cũng như chưa từng hình dung ra sự tốt đẹp của thế giới khi con người hướng đến giá trị “sống xanh”.

HMONG COFFEE sẽ gửi đến bạn câu chuyện về hành trình của bã cà phê sau khi đã tặng cho con người những tách cà phê thơm ngon thức tỉnh tâm trí. Bạn sẽ phải thừa nhận rằng cà phê chính là món quà tuyệt vời thiên nhiên dành tặng con người vì chúng phục vụ ta ngay cả khi mình chẳng còn là gì nữa.

Thanh niên Việt khởi nghiệp với giày từ bã cà phê

2 tỷ cốc cà phê được tiêu thụ mỗi ngày trên thế giới! Và bạn nghĩ số bã cà phê để tạo ra 2 tỷ cốc ấy… sẽ chất thành đống cao đến chừng nào? Không hình dung ra nổi nữa nhưng chắc chắn cần phải làm gì với chúng vì nếu không mẹ thiên nhiên sẽ nhận lấy tất cả. Trong bã cà phê có chứa thành phần gây biến đổi khí hậu. 

Hai bạn trẻ Trần Bảo Khánh và Chu Hoàng Sơn (sống tại Phần Lan) đã quyết định khởi nghiệp với ý tưởng kết hợp bã cà phê với nhựa để tạo ra những đôi giày sneaker thân thiện với môi trường. Họ dành 16 tiếng mỗi ngày để tạo ra một đôi giày từ bã cà phê và nhựa. Ý tưởng kinh doanh này đã giúp Sơn và Khánh trở thành 2 cái tên Việt lọt danh sách bình chọn của Forbes năm 2019, thu về 10 tỷ đồng doanh thu cũng như kêu gọi thành công vốn đầu tư cho dự án startup của mình.

Đặt câu chuyện thành công và ý tưởng kinh doanh vô cùng hữu ích của 2 bạn trẻ sang một bên thì chúng ta thấy bã cà phê không hề vô dụng. Chúng có thể tái chế ra nhiều vật dụng hữu ích cho con người sau khi đã cống hiến hết hương sắc của mình. Giá trị tiềm ẩn trong bã cà phê là rất lớn, chỉ có điều con người không phải ai cũng khai thác hết giá trị của chúng.

Cốc làm từ bã cà phê

Làm ly, cốc từ bã cà phê là ý tưởng của một cậu bạn học chuyên ngành thiết kế tại Ý – Julian Lechner. Cũng như bao sinh viên khác, Julian uống hàng chục ly cà phê mỗi tuần khi phải “cày” deadline đồ án. Một ngày nọ, Julian tự hỏi những bã cà phê sẽ đi về đâu sau khi phục vụ mình? Câu trả lời mà cậu nhận được là ra bãi rác. Không chấp nhận thực tế đó, Julian nảy ra ý tưởng thay đổi suy nghĩ của nhiều người và thay đổi cả tương lai của cậu.

Julian đi xin bã cà phê của các cửa hàng, phơi khô, đóng gói, rồi đem đến một cơ sở tái chế, trộn chúng với bio-polymer (một loại vật liệu xanh khá phổ biến trong công nghiệp tái chế). Không ngờ, thành phẩm là một chất dẻo xốp có khả năng tạo hình tốt như đất sét, cho ra đời những chiếc cốc đẹp, bền và quan trọng nhất – hoàn toàn “zero waste”.

Thừa thắng xông lên, Julian dần dần mở ra một công ty startup nhỏ chuyên sản xuất cốc cà phê mang tên Kaffeeform. Cậu cung cấp đủ các loại cốc từ cốc dài có nắp để đem đi, đến cốc và đĩa theo bộ sang chảnh cho các cửa hàng cao cấp hơn. Kaffeeform được vinh danh trong lễ trao giải Red Dot 2018, và ngày càng ăn nên làm ra.

Làm dầu từ bã cà phê

Chắc hẳn các bạn đã từng nghe về dầu cọ. Dầu cọ được sử dụng để thay thế bơ và được dùng để làm bánh mỳ, bánh ngọt và các thực phẩm chế biến sẵn, bởi nó khiến những chiếc bánh có độ mềm và cảm giác như “tan trong miệng”. Và dầu cọ còn được sử dụng cho một số lĩnh vực khác. 

Song nhiều người cho rằng nhu cầu sử dụng dầu cọ tăng lên đang gây áp lực khai thác khá nặng nề cho những rừng mưa nhiệt đới ở Malaysia và Indonesia. Cứ mỗi 25 giây, một khu vực có kích thước một sân bóng đá ở rừng mưa nhiệt đới Indonesia bị đốn hạ để nhường chỗ cho các đồn điền trồng cọ lấy dầu.

Và ý tưởng làm dầu từ bã cà phê thay cho dầu cọ ra đời như một giải pháp hạn chế cảnh phá rừng. Ý tưởng này được phát triển bởi Moore và Kennedy (đồng sáng lập của Revive Eco, một công ty có trụ sở tại Glasgow, Scotland) nhằm tạo ra loại dầu thân thiện với môi trường, là một ứng dụng siêu tiềm năng trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống, mỹ phẩm và dược phẩm trong tương lai.

Khẩu trang cà phê

“Lớp ngoài được dệt bằng sợi cà phê, sử dụng công nghệ PowerKnit, có thể giặt mỗi ngày. Bên trong là lớp màng lọc tự phân hủy sinh học, được sản xuất theo công nghệ kết hợp Nano Bạc và cà phê. Mỗi chiếc màng lọc có thể sử dụng tối đa 30 ngày không cần giặt”.

Đó là những gì dùng để mô tả về chiếc khẩu trang làm từ bã cà phê. Đúng! Bạn không nghe nhầm đâu, là khẩu trang. Và đây là một sản phẩm được tạo ra bởi một startup Việt. 

Xăng sinh học

Con người luôn đau đáu tìm ra nguồn nguyên liệu sạch để vận hành máy móc, xe cộ, duy trì cuộc sống. Và thật may vì trên đời có một thứ gọi là bã cà phê.

Một startup ở Anh đã thử nghiệm thu gom bã cà phê đã qua sử dụng từ các nhà hàng, quán ăn, nhà máy rồi vận chuyển đến cơ sở tái chế. Tại đây, bã cà phê được sấy khô trước khi chiết tách lấy dầu. Dầu cà phê sau đó được pha trộn với các thành phần khác để tạo ra nhiên liệu sinh học B20, có thể được sử dụng trong xe buýt diesel mà không cần phải điều chỉnh gì thêm. Thật kỳ diệu!

HMONG COFFEE vui hơn bao giờ hết khi biết được bã cà phê sau khi được sử dụng vẫn còn rất hữu dụng với con người. Bởi vì, cà phê của HMONG đã ra đời từ quy trình chuẩn sạch: sạch từ cách gieo trồng – chăm sóc – rang xay. Với một sản phẩm tràn đầy tâm huyết và tròn trịa về chất lượng như thế, việc bã cà phê sạch được tiếp tục tái chế và sử dụng góp phần bảo vệ môi trường là điều khiến chúng tôi vô cùng hãnh diện và tự hào. 

Rất có thể, chiếc cốc mà bạn cầm trên tay, khẩu trang mà bạn đang đeo… được tạo thành từ bã cà phê sạch của HMONG. Hành trình của cây cà phê đúng là tròn trịa, ý nghĩa và đong đầy yêu thương.