SỰ KHÁC BIỆT CỦA VĂN HOÁ CÀ PHÊ HÀ NỘI VÀ SÀI GÒN

Hà Nội và Sài Gòn có nhiều sự khác biệt mà chỉ có người từng sống ở cả 2 vùng đất mới cảm nhận trọn vẹn nhất. Khác biệt từ giọng nói, lối sống, đến cái cách mà thời tiết đối đãi với con người… Và có một điểm khác biệt nữa mà nếu không nhắc tới, hẳn sẽ là một thiếu sót không thể xí xoá. Đó là văn hoá uống cà phê.

Cà phê theo người Pháp du nhập vào nước ta, đến Hà Nội và Sài Gòn cùng một thời điểm – cuối thế kỷ 19. Đến nay, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu cà phê lớn trên thế giới sau Brazil. Khởi phát của cà phê là một loại thức uống ngoại lai nhưng qua hành trình biến đổi không ngừng (cách trồng, rang xay, pha chế) cà phê đã uốn mình thành một nét văn hoá vắt ngang chiều dài đất nước, từ Bắc chí Nam ai cũng mê, ai cũng uống.

Khác nhau ở hương vị

Người Hà Nội uống cà phê đắng đậm, không đá. Họ đề cao tính nguyên bản của cà phê. Mà không phải mỗi cà phê thôi đâu, người miền Bắc coi hương vị đậm đà là ngôn ngữ ẩm thực của họ. Cứ cái gì ăn vào miệng nhàn nhạt hay ngọt ngọt là hỏng rồi!

Còn Sài Gòn nóng ẩm mưa nhiều, dân “ở trỏng” thích cà phê có đá, có vị đắng pha với ngọt, khi uống vào cảm giác vừa mát lạnh, đắng đó rồi dịu lại ngay hệt như thời tiết vậy, nắng bỏng rát mới đó đã mưa rào được liền. Cà phê không đơn thuần chỉ là một thức uống truyền thống – nó còn được xem là một trong những loại giải khát đặc biệt, nạp nhanh năng lượng sáng trưa chiều gì cũng dùng được.

Khác nhau ở cách uống

Cà phê Hà Nội là tìm về với sự lắng đọng tâm hồn, chạm ngõ tâm tình trong lúc đợi chờ giọt đắng tí tách rơi. Châm điếu thuốc, nhấp một ngụm nâu nóng, thả hồn mình chơi vơi trên mặt hồ tĩnh lặng, thoang thoảng xa là mùi hoa sữa mùa thu, tiếng rao của gánh hàng rong trĩu nặng… tất cả tạo nên một nét xưa cũ hớp hồn mà ở đó cà phê là nét chấm phá của bức tranh thơ mộng. 

Những ngày Hà Nội mùa đông, hẹn nhau lên cà phê Giảng, kéo chiếc ghế đẩu ngồi co ro trong một góc nhâm nhi cốc cà phê trứng, cảm nhận vị trọn vẹn vị béo ngậy, rồi đắng, rồi thơm trong cổ họng, cái lạnh như dừng ngoài khe cửa. Trong cái không gian ấy, uống nhanh uống vội thì… cũng chả để làm gì. Quan trong hơn, nếu vội vã, bạn sẽ không thể cảm nhận hết cái ngon của cà phê và hấp thụ hết sự thong dong của lối sống người tràng an thanh lịch.

Nhịp sống của Sài Gòn nhanh hơn. Đây là trung tâm kinh tế của các nước. Thành phố hội tụ nhiều toà nhà chọc trời là trụ sở các văn phòng đại diện của các công ty nước ngoài, trung tâm thương mại, tổ hợp vui chơi giải trí… Sài Gòn không bao giờ ngủ và nhịp sống, nhịp làm việc của người dân thành phố này dĩ nhiên cũng nhanh và “Tây” hơn, cà phê vì thế mà cũng phải vội vàng theo.

Ít ai ngồi cà phê để chiêm nghiệm về cuộc sống, họ ngồi cà phê để chạy deadline, gặp gỡ trò chuyện với đối tác, kết nối với những mối quan hệ mới. “Đi cà phê đi” theo cách hiểu của người Sài Gòn không chỉ là đi tìm hương vị của hạt cà phê Arabica hay Robusta rang xay… mà ý của họ là: “Đi tìm một chỗ nào đó có bán cà phê + các món sinh tố + trà, để mình nói chuyện”. 

Cà phê là một cầu nối văn hoá, là vòng tay bè bạn dang rộng để mọi người nắm lấy và hoà điệu.

Khác nhau ở cách gọi tên

Ra Hà Nội, nhìn vào menu không có “cà phê sữa đá” đâu, chỉ có nâu nóng/nâu đá mà thôi. Ngược lại khi vào Sài Gòn, nếu bạn nói: “Cho xin cốc nâu đá” thì lập tức, nhân viên sẽ hỏi: “Anh/chị dùng cà phê sữa đá size gì?”. Khác biệt là thế đấy!

Người Hà Nội đặt tên thứ thức uống truyền thống theo màu sắc (nâu: màu đặc trưng của cà phê sau khi rang xay). Còn người Sài Gòn gọi tên chúng theo… thành phần bao gồm tất cả những gì có trong ly (cà phê + sữa + đá).

Cốc nâu – ly cà phê sữa đá, hai cách gọi phản chiếu tâm hồn của 2 vùng đất. Một bên trầm lặng, đi vào chiều sâu và đề cao cảm nhận. Một bên dung dị, ưa ngọt ngào, đề cao sự phóng khoáng.

Cà phê của Hà Nội là cà phê hoài niệm về quá khứ và níu giữ cái đẹp của thực tại. Cà phê của Sài Gòn là cà phê của năng lượng, của sự kết nối bạn bè và tiến về tương lai.